Ứng dụng và so sánh với lò cao Lò phản xạ

Ứng dụng của các thiết bị này được chia thành hai thể loại chung là lò nấu luyện kim và lò chế biến nhiệt độ thấp hơn thông thường được dùng cho quặng kim loại và các khoáng vật khác.

Khi xét theo tính hiệu quả trong so sánh với lò cao thì lò phản xạ là kém ưu thế hơn, do sự tách biệt không gian của nhiên liệu cháy với nguyên liệu được gia công, và điều cần thiết là tận dụng có hiệu quả cả nhiệt bức xạ lẫn tiếp xúc trực tiếp với các khí thoát ra (đối lưu) để tối đa trao đổi nhiệt. Trong quá khứ các lò này sử dụng nhiên liệu rắn, và than mỡ được chứng minh là lựa chọn tốt nhất. Ngọn lửa chói sáng dễ thấy (do lượng chất bốc cao) tạo ra trao đổi nhiệt bức xạ cao hơn so với than đá hay than củi.

Tiếp xúc với sản phẩm của sự cháy, điều có thể thêm các nguyên tố không mong muốn vào nguyên liệu được chế biến, được sử dụng để tạo ra ưu thế trong một số quy trình. Kiểm soát cân bằng nhiên liệu/không khí có thể thay đổi thành phần hóa học của khí thoát ra hoặc là về phía tạo thành hỗn hợp khử hoặc là về phía tạo thành hỗn hợp oxi hóa, và vì thế làm thay đổi tính chất hóa học của nguyên liệu được chế biến. Chẳng hạn, gang đúc có thể được khuấy luyện trong môi trường oxi hóa để chuyển thành thép vừa cacbon hay sắt thỏi. Lò Siemens-Martin trong luyện thép lò bằng cũng là một loại lò phản xạ.

Các lò phản xạ (thường cũng được gọi là lò khí) trước đây cũng được sử dụng để nấu chảy đồng thau, đồng thanh, gang luyện thép để đúc. Trong khoảng 75 năm đầu tiên của thế kỷ 20 chúng cũng là lò nấu luyện chủ yếu trong sản xuất đồng, được dùng trong xử lý tinh quặng đồng sulfua nung kết hay tinh quặng thô.[1] Hiện nay chúng đã bị thay thế trong vai trò này, ban đầu là bởi lò nấu luyện lửa (lò flash) và sau đó là lò Ausmelt[1] và lò ISASMELT,[2] do các loại lò này rất hiệu quả trong việc tạo ra xỉ với tỷ lệ thất thoát đồng rất thấp.[1]